Top
Nếu lỡ có đam mê trở thành lính cứu hỏa hay mong ước được làm việc trong ngành phòng cháy chữa cháy, bạn chắc chắn không thể bỏ qua trường Đại học Phòng cháy chữa cháy này!
Mục lục
Ra đời trong thương đau và khói lửa của cuộc chiến tranh, trường Đại học Phòng cháy chữa cháy nay đã trở thành cơ sở đào tạo duy nhất ở Việt Nam đào tạo lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn cho ngành công an và các ngành kinh tế quốc dân nhằm phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa đất nước.
Tiền thân của trường Đại học Phòng cháy chữa cháy là Tổ Giáo dục Phòng cháy, chữa cháy (09 /1963); Khoa Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (30/12/1965); Phân hiệu Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (20/07/1971); trường Hạ sĩ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (02/09/1976); trường Cao đẳng Phòng cháy chữa cháy (19/06/1984).
Sau nhiều lần đổi tên và xem xét, ngày 14/10/1999, trường Đại học Phòng cháy chữa cháy được thành lập do Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định.
Đại học Phòng cháy chữa cháy là cơ sở duy nhất ở Việt Nam đào tạo nhân lực cán bộ phòng cháy chữa cháy cứu hộ không chỉ cho ngành Công an và các ngành kinh tế quốc dân khác mà còn cho Bộ An ninh nước Cộng hòa dân chủ nhân Lào và Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia.
Bên cạnh việc đào tạo nhân sự nhà trường còn đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng kỹ thuật và công nghệ phòng cháy chữa cháy vào thực tế. Đại học Phòng cháy chữa cháy tích cực tham gia vào Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng đồng thời là thành viên câu lạc bộ khoa học các trường đại học kỹ thuật Việt Nam nhằm học hỏi và giao lưu kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học.
Trong suốt những năm qua, trường không ngừng phấn đầu mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như Nga, Belarus, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore,…
Nhìn chung, cơ sở vật chất của trường đều đáp ứng được nhu cầu học tập và thực hành của sinh viên. Nhà trường chú trọng đầu tư trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ,…nhằm nâng cao chất lượng học tập cũng như tăng môi trường cọ xát cho sinh viên sau này.
Đại học Phòng cháy chữa cháy sở hữu hội trường lớn với sức chứa hơn 600 chỗ và Phòng hội thảo khoa học với đầy đủ trang thiết bị cần thiết; các phòng học chuyên môn như vẽ kỹ thuật, ngoại ngữ, thực hành tin học, thông tin liên lạc và báo cháy, lý thuyết lái xe chữa cháy và các phòng học chuyên ngành PCCC.
Các phòng thí nghiệm cũng được trang bị hiện đại như: phòng thí nghiệm Hoá đại cương; phòng thí nghiệm Vật lý đại cương; phòng thí nghiệm Thủy lực và cung cấp nước chữa cháy; phòng thí nghiệm Điện kỹ thuật và phòng cháy thiết bị điện; phòng thực nghiệm Báo cháy và Chữa cháy tự động bằng nước, khí CO2, bằng bột; phòng thí nghiệm Vật liệu xây dựng và Phòng cháy trong xây dựng; phòng thí nghiệm Chữa cháy.
Các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ học thực hành về phòng cháy chữa cháy cũng được đầu tư tối đa như: ô tô chữa cháy do Liên Xô chế tạo; xe Hino môrita, xe Nissan do Nhật Bản chế tạo, xe M.A.N do Đức chế tạo, xe thang chữa cháy do Mỹ chế tạo và máy bơm chữa cháy, các bình chữa cháy xách tay, mặt nạ phòng độc và nhiều thiết bị, phương tiện chữa cháy khác.
Ngoài ra, trường còn có thư viện, phòng đọc, phòng tra cứu Internet, mạng LAN, giáo trình tham khảo các môn học tài liệu đủ đáp ứng nhu cầu tra cứu của sinh viên.
Đào tạo đội ngũ nhân lực về phòng cháy chữa cháy là trọng trách lớn lao mà Nhà nước giao phó cho trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Chính vì điều này, nhà trường luôn không ngừng đẩy mạnh và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên – những người dẫn dắt và trực tiếp truyền đạt kiến thức cho mầm non tương lai đất nước. Hiện nay, trường có nhiều cán bộ giảng viên có trình độ cao như Tiến sỹ, thạc sỹ và kỹ sư đã và đang học nâng cao trình độ tại các trường đại học trong và ngoài nước.
Nhiều sĩ tử cho rằng, học trường Đại học Phòng cháy chữa cháy sau này đều sẽ trở thành những lính cứu hỏa, nhưng trên thực tế trường còn đào tạo nhiều ngành học khác nhau cũng liên quan đến phòng cháy chữa cháy như:
Bậc đại học với 4 chuyên ngành: An toàn phòng cháy; Chỉ huy chữa cháy; Tổ chức cứu nạn, cứu hộ; Quản lý phương tiện kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Bậc trung cấp với các chuyên ngành: Phòng cháy; Chữa cháy; Cứu nạn, cứu hộ; Kỹ thuật ô tô, máy bơm chữa cháy.
Vậy nên, ngoài được trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy, ở mỗi chuyên ngành trường còn cung cấp các kiến thức đặc trưng của ngành đó.
Chính vì sự linh hoạt và đa dạng trong ngành nghề, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ không phải lo lắng về sự chọn lựa công việc của mình, không chỉ đơn thuần làm lính cứu hỏa mà còn có thể đảm nhận nhiều vị trí chỉ huy hậu cần hỗ trợ công tác chữa cháy ở đơn vị cũng nhiều vị trí tượng đương khác.
Nhiều người cứ lầm tưởng rằng đây là ngôi trường chỉ toàn nam giới vì tính chất ngành nghề khá vất vả và gian nan của nó, nhưng thực tế rằng đây là ngôi trường không thiếu những “bóng hồng trong khói lửa”. Hằng năm trường tuyển sinh các bạn nữ với điểm chuẩn cao hơn các bạn nam từ 0.65 – 1.5 điểm.
Thiếu úy Tưởng Thị Ngọc Ánh (bên trái) và
thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 Hoàng Hải Thu (bên phải)
Bên cạnh việc học tập và thực hành chuyên môn, những chiến binh phòng cháy chữa cháy còn phải học những khóa học rèn luyện thể lực nhằm phục vụ cho tính chất công việc sau khi ra trường. Các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao, thi đấu,…các hoạt động ngoại khóa nhằm tăng sự gắn kết và thể hiện tài năng cho sinh viên được diễn ra sôi nổi và nhận được phản hồi tích cực.
Xem thêm điểm chuẩn trường Đại học Phòng cháy chữa cháy TẠI ĐÂY