Top
Nếu truyền thông là bầu trời thì PR là cánh chim không ngừng nghỉ để mang công chúng xích lại gần hơn với doanh nghiệp.
Mục lục
Quan hệ công chúng, hay còn gọi là PR (viết tắt của Public Relations), là việc xây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa doanh nghiệp với khách hàng hoặc với các nhóm công chúng của doanh nghiệp đó. Hoạt động PR giúp cho đôi bên cùng có lợi!
Có nhiều loại hình PR khác nhau như PR phát triển kinh doanh, PR quảng bá tên tuổi, PR quản trị khủng hoảng.
Bản thân cụm từ “Quan hệ công chúng” đã thể hiện ý nghĩa: làm việc với rất nhiều nhóm công chúng khác nhau. Có ba nhóm công chúng phổ biến nhất:
– Khách hàng: PR là cầu nối giữa khách hàng và doanh nghiệp, đem những thông điệp hấp dẫn và có giá trị nhất từ doanh nghiệp đến với khách hàng.
Hoạt động PR trong trường hợp này là tiến hành các chiến dịch truyền thông, nhằm nâng cao uy tín của thương hiệu để thu hút khách hàng. PR trở thành một phần nhỏ của Marketing một cách tình cờ!
– Báo chí: Báo chí có vai trò và ảnh hưởng to lớn trong việc định hướng dư luận, do đó phần lớn công việc của ngành PR bao gồm quan hệ với báo chí.
– Nhân viên: Với “công chúng” là nhân viên, quan hệ công chúng mang tính chất nội bộ. PR khiến cho nhân viên có cái nhìn tích cực về công ty mình đang làm việc, gắn kết các thành viên, thúc đẩy sự trao đổi thông tin, truyền cảm hứng làm việc, xây đắp tình yêu và sự cống hiến dành cho tổ chức.
Quan hệ công chúng (PR) nhiều lúc bị nhầm tưởng sang hình thức quảng cáo hoặc bán hàng trực tiếp. Nếu trong mắt bạn PR chính là quảng cáo thì đó là một quan niệm sai quá là sai luôn đó!
Teen có thể phân biệt một cách dễ dàng như sau:
– Quảng cáo được tạo ra để bán sản phẩm.
PR thiết lập thông tin 2 chiều để đo ý kiến của công chúng về sản phẩm, tạo hình ảnh đẹp về thương hiêu, sản phẩm… để từ đó chiếm được cảm tình và sự yêu mến của công chúng.
– Quảng cáo có thể xuất hiện trước mắt công chúng bằng việc trả tiền. PR chỉ có thể giành được bằng nỗ lực.
– Quảng cáo nói: Sản phẩm của tôi tốt lắm!
PR khiến người ta nói: Sản phẩm của bạn trên cả tuyệt vời!
Khiến cho người khác phải nói tốt về mình – đó là thành công của Quan hệ công chúng.
1. Quan hệ với giới báo chí, truyền thông
Quan hệ với giới truyền thông là một phần quan trọng trong hoạt động PR của bất cứ doanh nghiệp nào. Lí do đơn giản là: việc PR cho một thương hiệu phụ thuộc khá nhiều vào việc các phương tiện truyền thông đại chúng nói về thương hiệu đó như thế nào.
Người làm Quan hệ công chúng sẽ phát triển một mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với giới báo chí. Khi làm PR, bạn sẽ liên tục cung cấp thông tin mới nhất về doanh nghiệp, tổ chức của mình hoặc khách hàng tới báo chí thông qua các buổi họp báo, buổi gặp mặt hoặc đưa ra thông cáo báo chí.
Với một người làm PR chuyên nghiệp, theo dõi thông tin trên báo cũng là một công việc quan trọng trong một ngày làm việc. Bạn phải liên tục duy trì và phát triển hình ảnh cho doanh nghiệp bằng việc xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
2. Truyền thông
Người làm PR phải truyền tải thông điệp một cách hiệu quả nhất tới từng nhóm công chúng qua các buổi ra mắt sản phẩm, cuộc họp hay diễn thuyết. Lí do đơn giản là PR có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho công chúng, xây dựng mối quan hệ hai chiều giữa công chúng và tổ chức.
3. Tổ chức sự kiện
Quan hệ công chúng luôn gắn liền với việc lên kế hoạch và tổ chức những sự kiện vô cùng phong phú: từ các buổi hội nghị, triển lãm, những lễ kỉ niệm, cuộc thi, giải thưởng, cho đến những lễ ra mắt sản phẩm mới, những buổi họp báo…
Việc tổ chức sự kiện sẽ thu hút sự chú ý của công chúng, hoặc quảng bá sản phẩm mới hay hình ảnh của doanhnghiệp.
4. Soạn thảo, biên tập và sản xuất
Một ngày làm việc của nhân viên PR thường bắt đầu với những văn bản đa dạng như thông cáo báo chí, tài liệu báo chí, báo cáo dành cho cổ đông, báo cáo thường niên, bản tin nội bộ,…
Công việc của người làm PR còn luôn gắn liền với việc thiết kế, sản xuất brochure, tập san, niên giám, các bản báo cáo, các ấn phẩm truyền thông đa phương tiện…
Đâu là “chốn thiên đường” cho các teen muốn theo đuổi ngành Quan hệ công chúng?
Học viện Báo Chí & Tuyên truyền
Xem thêm điểm chuẩn Học viên Báo Chí năm 2020.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Xem thêm điểm chuẩn NEU năm 2020.
Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQG HN
Xem thêm điểm chuẩn trường ĐH KHXH&NV năm 2020.
Xem danh sách tất cả các trường đào tạo ngành Quan hệ công chúng và điểm chuẩn ngành học này TẠI ĐÂY.
1. Nói giỏi, viết tốt
Với người làm PR, khả năng giao tiếp khéo léo (gồm cả nói và viết) là yêu cầu cơ bản đầu tiên. Mọi vấn đề qua lời nói hay câu chữ của bạn phải dễ hiểu, chính xác và logic.
Làm thế nào để để công chúng của bạn tiếp nhận được thông điệp bạn gửi đến họ? Đây là câu hỏi mà người làm Quan hệ công chúng bắt buộc phải nghĩ đến. Để viết tốt, nói giỏi, truyền đạt dễ hiểu, bạn phải khổ công rèn luyện lâu dài.
Trên thực tế, ngay từ khâu tuyển dụng, các quản lý tại doanh nghiệp thường đòi hỏi ứng viên cho vị trí Quan hệ công chúng phải có kỹ năng nói và viết tốt, thành thạo trong việc soạn thảo và biên tập, xử lý các loại văn bản có liên quan.
2. Biết cách tạo sự tin cậy
Quảng cáo có thể gây nghi ngờ, nhưng PR phải tạo được niềm tin với công chúng. Nguyên tắc hàng đầu của Quan hệ công chúng là luôn trung thực để tạo sự tín nhiệm.
Nghề PR không chỉ cần khả năng diễn đạt mà còn đòi hỏi bạn phải hiểu biết thấu đáo về tâm lý và nhu cầu của các nhóm công chúng khác nhau trong xã hội.
3. Có thói quen quan sát và khả năng phán đoán, tư duy phân tích cao
Ngành Quan hệ công chúng luôn dựa trên óc phán đoán và khả năng phân tích vấn đề. Người làm PR phải phân tích công chúng để tư vấn cho cấp quản lý và thực hiện những chiến dịch truyền thông.
4. Nhạy bén, linh hoạt trong mọi tình huống
Vào một ngày đẹp trời, khi vừa mở mắt đón bình minh, một thông tin bôi nhọ hình ảnh của doanh nghiệp đập ngay vào mắt bạn. Hay một nhà báo cố tình đưa ra những thông tin bất lợi về tổ chức của bạn ngay trong buổi họp báo.
Theo đuổi ngành Quan hệ công chúng, bạn sẽ gặp rất nhiều tình huống bất ngờ, “từ trên trời rơi xuống”. Những rủi ro trong nghề có thể đến bất cứ lúc nào. Sự khéo léo, linh hoạt và tinh tế là hành trang mà một nhân viên PR phải có.
5. Năng lực tổ chức
Công việc PR gắn liền với những cuộc họp báo, những buổi thảo luận chuyên đề, những buổi tiệc chiêu đãi, những hội thảo, lễ kí kết,…Do đó, bạn phải luôn tỉnh táo và có khả năng tổng hợp của một nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp.
6. Có thói quen chăm chút cho ngoại hình
Có thể bạn không phải người thích chăm chút cho vẻ bề ngoài, nhưng một ngoại hình ấn tượng lại là nhân tố để thành công trong ngành Quan hệ công chúng. Lịch sự và trang nhã là nguyên tắc của PR.
7. Thực sự đam mê với PR
Hiện nay, hiểu biết về PR của các bạn học sinh cuối cấp chỉ dừng lại ở sự thích thú mơ hồ, những viễn cảnh màu hồng được tô vẽ cho Quan hệ công chúng.
PR là công việc vô cùng vất vả, luôn phải chịu áp lực từ nhiều phía, đòi hỏi bạn phải nỗ lực hết mình. Trên chặng đường dài bất tận với những đối thủ xuất sắc trong lĩnh vực PR, chỉ cần buông thả một chút là bạn đã tụt lại phía sau người khác.
1. Cơ hội việc làm hấp dẫn
Vị trí công việc dành cho các bạn trẻ tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng lại vô cùng hấp dẫn và đa dạng:
– Chuyên viên Quan hệ Báo chí
– Nhân viên Quan hệ cộng đồng, chuyên viên Quan hệ công chúng
– Nhân viên, chuyên viên Tổ chức sự kiện
– Nhân viên Truyền thông nội bộ
– Chuyên viên Phát triển thương hiệu
– Chuyên viên Phân tích truyền thông
– Nhân viên Truyền thông
– Tư vấn quản trị truyền thông doanh nghiệp
– Giảng dạy, nghiên cứu báo chí truyền thông (tại các trường đại học và cơ sở nghiên cứu).
2. Nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức
Quan hệ công chúng là ngành nghề có mức tăng trưởng 30%/năm tại Việt Nam, bởi nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp không ngừng tăng lên.
Sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội đã thúc đẩy nhu cầu nhân sự làm PR
Mặt khác, sự phổ biến của Internet và các mạng xã hội đã nhanh chóng chi phối con người và làm hoạt động truyền thông bùng nổ hơn bao giờ hết, đặc biệt là tại một quốc gia thị trường truyền thông phát triển nhanh nhất thế giới như Việt Nam (theo công ty tư vấn đa quốc gia PwC).
3. Thu nhập hấp dẫn
Với những bạn trẻ có kinh nghiệm 1 năm trong ngành, không khó để đạt mức lương 15-20 triệu đồng/tháng khi làm công việc PR. Thu nhập của bạn có thể cao hơn nếu làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty đa quốc gia.
Đặc biệt, các vị trí liên quan đến quản lý khủng hoảng, truyền thông thương hiệu, sáng tạo và quản trị nội dung số,…có thể có mức lương cao hơn nữa.
Thị trường lao động của lĩnh vực Quan hệ công chúng sẽ ngày càng sôi động trong tương lai.
4. Cơ hội phát triển bản thân
Người làm Quan hệ công chúng là những bậc thầy về sự sáng tạo. Bạn luôn có cơ hội học hỏi, cập nhật những điều mới lạ trong dòng chảy thông tin bất tận, có thêm nhiều mối quan hệ trong xã hội.