Image Image Image Image Image Image Image Image Image Image
Scroll to top

Top

Review ngành Sư phạm: Khó khăn, gian khổ không che mờ được vẻ đẹp thanh cao

Mặt trời mọc rồi lặn, trăng có thể tròn rồi lại khuyết, nhưng ánh sáng chiếu rọi của người thầy sẽ theo mỗi con người cho đến hết cuộc đời. Cùng khám phá ngành học thú vị này qua bài Review ngành Sư phạm chi tiết dưới đây nhé.

Bản chất của ngành Sư phạm

Ngành sư phạm, hiểu theo cách đơn giản nhất, là ngành học đào tạo ra những thầy, cô giáo tương lai.

Trở thành giáo viên đồng nghĩa với việc bạn là tấm gương để học trò nhìn vào.

Trong hai chữ sư phạm, nghĩa là thầy. Người thầy không chỉ dạy chữ, truyền đạt kiến thức mà còn dạy cách làm người. Còn phạm là khuôn thước, là mẫu mực. Yêu cầu về sự mẫu mực này là yêu cầu được đặt ra trước tiên cho một nhà giáo. 

Chấp nhận làm học làm giáo viên nghĩa là bạn đã chấp nhận làm một tấm gương để người khác nhìn vào.Tấm gương ấy sẽ in dấu ấn vào ký ức của học trò, từ cử chỉ, hành vi cho đến lời giảng trên lớp. 

Bạn học gì dưới mái trường Sư phạm?

Ngành học Sư phạm bao gồm rất nhiều chuyên ngành nhỏ với những cơ hội nghề nghiệp khác nhau. 

1. Sư phạm mầm non

Đây là ngành đào tạo ra những giáo viên chăm sóc trẻ từ 18 tháng đến 5 tuổi – giai đoạn vô cùng nhạy cảm ảnh hướng lớn đến nhân cách, trí tuệ và hướng phát triển của một con người.

2. Sư phạm Tiểu học

Bạn được đào tạo để trở thành  giáo viên Tiểu học – người sẽ hướng dẫn, dạy bảo các em nhỏ cách đọc, cách viết, và tính toán từ những con số nhỏ nhất. 

Giáo viên Tiểu học sẽ cung cấp những kiến thức nền tảng nhất để học sinh có thể học tiếp ở các bậc học cao hơn

Những điều bạn dạy học sinh Tiểu học sẽ là nền tảng kiến thức đầu tiên trên con đường học vấn.

3. Sư phạm ngoại ngữ

Ngày nay, việc học ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) trở thành một nhu cầu quan trọng trong quá trình học tập của mỗi con người. Cùng với Tiếng Anh, các ngôn ngữ khác như tiếngPháp, Hàn, Trung, Nhật, Đức,…đã được giảng dạy tại các trường phổ thông.

Người học Sư phạm Ngoại ngữ có cơ hội nghề nghiệp đa dạng hơn hẳn so với các ngành Sư phạm khác. Vốn kiến thức ngoại ngữ giúp họ dễ dàng thích nghi với rất nhiều ngành nghề.

Xem điểm chuẩn ngành Sư phạm Tiếng Anh năm 2020 TẠI ĐÂY.

4. Các chuyên ngành Sư phạm khác

Cùng với ngành Sư phạm gắn liền với các bộ môn Toán, Lí, Hóa, Ngữ Văn, Sinh học, bạn còn rất nhiều lựa chọn khác như Sư phạm Nghệ thuật, Giáo dục thể chất, Sư phạm Công nghệ,…

Học ngành Sư phạm ở đâu?

Khi học ngành Sư phạm tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước, bạn chắc chắn được miễn học phí! Nhắc đến đào tạo ngành Sư phạm, chúng ta không thể bỏ qua những tên tuổi hàng đầu như:

1. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

ĐH Sư phạm Hà Nội – ngôi trường đẹp nhất mùa đông (nguồn ảnh: Kenh14.vn)

HNUE là một trong những trường đại học hàng đầu về đào tạo giáo viên. Là trường top đầu của ngành Sư phạm, không có gì bất ngờ khi HNUE luôn là lựa chọn hàng đầu của các bạn teen muốn theo nghiệp cầm phấn.

Xem thêm điểm chuẩn trường đại học sư phạm Hà Nội năm 2020.

2. Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

Xem thêm điểm chuẩn ĐH Sư phạm TPHCM năm 2020.

3. Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội

Xem thêm điểm chuẩn trường Đại học Giáo dục năm 2020.

4. Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Có thể bạn chưa biết: ULIS là trường đại học có truyền thống đào tạo các ngành Sư phạm ngoại ngữ, cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều thế hệ giáo viên ngoại ngữ trên cả nước.

Xem thêm điểm chuẩn trường Đại học Ngoại ngữ năm 2020.

5. Đại học Thủ Đô Hà Nội

Đại học Thủ Đô, tiền thân là trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, vốn nổi tiếng với chất lượng đào tạo giáo viên tại thủ đô. Lưu ý: bạn sẽ phải đóng học phí khi học các ngành sư phạm nếu không có hộ khẩu Hà Nội.

Xem thêm điểm chuẩn Đại học Thủ Đô Hà Nội năm 2020.

Hầu hết các tỉnh trên cả nước đều có các trường đại học, cao đẳng hoặc khoa sư phạm tại các đại học danh tiếng. Hãy khám phá ngay danh sách các trường Sư phạm tại Việt Nam bạn nhé!

Cơ hội việc làm khi tốt nghiệp ngành Sư phạm

Bạn sẽ làm việc ở đâu?

Hệ thống trường công lập 

Từ ngày 20/3/2021, lương giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tại các trường công lập sẽ cao hơn so với mức hiện nay.

Lương giáo viên các trường công lập từ ngày 20/3/2021

Tuy nhiên, mức lương của giáo viên trường công lập vẫn có một sự chênh lệch khá lớn với các trường dân lập, tư thục hay giáo viên các trường phổ thông quốc tế.

Các trường ngoài công lập 

Học sinh trường Phổ thông liên cấp Hanoi Adelaide School

Mức lương dành cho giáo viên các trường ngoài công lập về cơ bản là đủ để giáo viên có thể toàn tâm toàn ý vào công việc

Tại một số trường dân lập, giáo viên có thể đạt mức thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, với những giáo viên xuất sắc nhất, mức lương 30-40 triệu đồng/tháng là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Vị trí công việc 

– Giáo viên mầm non: Cùng với việc giảng dạy, giáo viên  Mầm non sẽ phụ trách trông nom, chăm sóc các em học sinh trong thời gian ở trường.

– Giáo viên Tiểu học: thường được phân giảng dạy nhiều môn học. Ngoài giảng dạy, giáo viên Tiểu học có thể phụ trách trông nom, chăm sóc các em học sinh trong thời gian ở trường.

– Giáo viên trung học phổ thông và trung học cơ sở: Giáo viên trường trung học cơ sở và trung học phổ thông được đào tạo chuyên biệt về từng môn học. 

Họ giúp học sinh “đào sâu” hơn những môn học đã được giới thiệu ở trường tiểu học và tiếp cận những môn học mới.

– Giáo viên trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề: Để làm việc tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bạn cần tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc một trường đại học liên quan đến chuyên ngành đào tạo của trường. 

Phẩm chất phù hợp để học ngành Sư phạm

Ham học hỏi

Ngoài kiến thức chuyên môn, ngành Sư phạm còn đòi hỏi kiến thức tổng hợp, vốn văn hóa sâu rộng và nhất là sự học hỏi không ngừng nghỉ, bởi những tri thức mới luôn xuất hiện từng giây từng phút. Ngừng khám phá kiến thức mới nghĩa là người làm nghề giáo đang tụt hậu trong ngành nghề mình đã lựa chọn.

Không chỉ kiến thức, sự xuất hiện của các triết lý giáo dục mới như lấy người học làm trung tâm buộc giáo viên phải thích nghi với những thay đổi mới.

Đặc biệt, các thầy cô giáo ngày nay phải liên tục cập nhật các xu hướng công nghệ mới chứ không chỉ dừng lại ở việc gõ văn bản hay trình chiếu Power Point. Một người giáo viên hiện đại còn phải sẵn sàng dạy online khi cần thiết, phải thành thạo các công cụ hỗ trợ như Zoom hay Google Hangout.

Hiện nay, các thầy cô phải liên tục thích nghi với công nghệ mới

Chỉ có thói quen ham học hỏi, khám phá mới giúp bạn thành công trong ngành sư phạm.

Thích giúp người khác hiểu biết

Không hứng thú giúp người khác hiểu biết, thích giảng dạy cho các bạn trẻ tuổi hơn thì thật khó để bạn theo đuổi nghiệp ngành sư phạm.

Biết cách truyền đạt

Một người giáo viên phải chinh phục đám đông (cụ thể là các học trò nghe giảng) bằng giọng nói, ánh mắt đến cử chỉ, điệu bộ.

Khả năng truyền đạt rất quan trọng với bất kỳ giáo viên nào.

Khả năng truyền đạt của bạn lại phải lên đến tầm của một…nhà hùng biện. Bởi ở phía dưới bục giảng có thể là những cái đầu đang bay bổng ở một nơi rất xa. Công chúng trước mắt bạn là những con người trẻ trung và phóng khoáng, đôi khi lại cực kì bướng bỉnh, và để thu hút sự chú ý của các bạn nhỏ lại không dễ dàng chút nào.

Biết tạo không khí thoải mái, dễ chịu

Mỗi khi vào lớp, chắc hẳn bạn rất thích những thầy, cô giáo vui tính, hóm hỉnh, hay kể chuyện cười đúng không nào? Học trò tương lại của bạn cũng như vậy đó!

Một bài giảng đáng lẽ rất hay, được chuẩn bị chu đáo cũng không đem lại hiệu quả cao nếu được giảng dạy trong không khí quá căng thẳng và tẻ nhạt.

Giàu lòng bao dung, độ lượng

Bạn có thể sở hữu chuyên môn sư phạm xuất sắc, tràn đầy nhiệt huyết khi giảng bài. Nhưng để trở thành một giáo viên tốt thì không thể thiếu đi lòng bao dung.

Một trái tim độ lượng, biết tha thứ cho những lỗi lầm nông nổi, thậm chí là ngu ngốc của học trò là điều một người học ngành Sư phạm cần có.

Lí do để chọn ngành sư phạm

Được xã hội nể trọng

Bạn có thể tin rằng, ngoại trừ một bộ phận nhỏ gồm phụ huynh và học sinh thiếu tôn trọng với nhà giáo, người thầy luôn có vị trí quan trọng trong trái tim và đời sống tinh thần bao đời nay của người dân Việt Nam. 

Giữ tâm được trong sáng

Liệu còn ngành học nào có thể tạo cho bạn môi trường hướng thiện như ngành Sư phạm?

Cuộc sống ngoài xã hội có thể nhiều tiêu cực, cám dỗ, bon chen, nhưng mái trường đích thực phải là một góc bình yên cho học trò, và nơi đó có trái tim người thầy độ lượng, bao dung.

Có nhiều thời gian cho gia đình

Mỗi nghề sẽ có kiểu bận rộn riêng, và làm nghề giáo thì không hề an nhàn chút nào. Tuy nhiên, với các bạn nữ, làm giáo viên sẽ giúp bạn có nhiều thời để chăm nom gia đình tốt và chu đáo hơn.

Có phải bạn từng mơ ước được nghỉ hè dù không còn đi học? Nghề giáo viên sẽ biến ước mơ của bạn trở thành hiện thực.

Thu nhập cao nếu bạn là giáo viên xuất sắc

Một giáo viên xuất sắc sẽ có thêm nhiều nguồn thu nhập đến từ việc dạy thêm tại các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, hoặc dạy trực tuyến trên Internet.

Hiện nay, teen không còn xa lạ với các livestream chữa đề trên mạng xã hội. Đó có thể là những thầy cô ngoài giờ làm việc trên lớp, họ thu xếp thời gian để gần gũi hơn với các bạn trẻ, cũng như xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt học trò cả nước.

Thách thức khiến bạn muốn bỏ ngay giấc mơ sư phạm

– Thu nhập thấp so với mặt bằng chung của xã hội

– Dư luận xã hội thiếu công bằng với nghề giáo: chỉ một sai lầm dù vô ý hay hữu ý cũng đủ để cả xã hội soi xét, thậm chí một tấm gương xấu có thể làm ảnh hưởng đến các đồng nghiệp trong ngành Sư phạm.

– Sức ép đến từ phụ huynh: Một số phụ huynh luôn cưng chiều, bênh vực con. Khi được thầy cô phản ánh những hành xử không đúng mực, đã có trường hợp phụ huynh phản bác bởi “ở nhà cháu nó rất ngoan”!

Nhiều phụ huynh học sinh cả năm học có thể không biết mặt thầy cô chủ nhiệm cũng như các giáo viên bộ môn; nhưng chỉ với một sơ suất nhỏ của giáo viên, họ sẵn sàng chỉ trích, tố cáo giáo viên.

Nhà giáo có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh nhưng trên thực tế thì không ít phụ huynh đã thiếu tôn trọng nhà giáo, có những hành xử vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật đối với thầy, cô giáo – người mà đang ngày ngày dạy cho con cái họ biết đọc biết viết, biết cách đối nhân xử thế, dạy con họ cách làm người…

– Áp lực đến từ người học: Có một sự thật mà người học sư phạm phải đối mặt: Trên thực tế, rất nhiều trường hợp học sinh không thể giáo dục bằng những lời tâm sự, bằng những lời nhắc nhở thông thường,hay sự cảm hóa yêu thương của người thầy đều không đem lại hiệu quả.

– Ngành sư phạm luôn đòi hỏi khả năng cập nhật liên tục kiến thức mới

– Sự xuất hiện của các triết lý giáo dục mới như “Lấy người học làm trung tâm” buộc giáo viên phải thích nghi, thay đổi phương pháp dạy để việc học của học sinh đạt hiệu quả cao nhất.

Trên đây là Review ngành sư phạm chi tiết mà ICAN Tuyển sinh tổng hợp. Về băn khoăn học sư phạm có khó không, chắc hẳn bạn đã tìm được câu trả lời rồi. Chúc các bạn hoàn thành bài thi thật tốt, đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.