Top
Theo xu hướng hòa nhập nhưng không hòa tan, ngành Việt Nam học được đánh giá là ngành nghề thú vị, có triển vọng và thu hút được nhiều bạn trẻ theo học.
Mục lục
Đúng như cái tên Việt Nam học, ngành học này nghiên cứu về về văn hóa, lịch sử, địa lí, phong tục tập quán, ngôn ngữ, văn học, tôn giáo, tín ngưỡng, kiến trúc,… của đất nước và con người Việt Nam nhằm làm rõ nét độc đáo và đa dạng trên nhiều lĩnh vực dưới góc nhìn văn hóa. Sinh viên học ngành này có một cái nhìn toàn cảnh phác họa đất nước Việt Nam, là những thế hệ lưu giữ giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, ngành Việt Nam học giúp người Việt Nam hiểu rõ hơn về đất nước dân tộc, biết trân trọng và gìn giữ nét đẹp văn hóa đồng thời quảng bá hình ảnh đẹp của Việt nam đến với bạn bè thế giới.
Ngành Việt Nam học xuất hiện tại nước ta vào những năm 2001-2002 dưới sự cho phép của Bộ giáo dục và Đào tạo. Sau 8 năm phát triển, ngành Việt Nam học đã có mặt trên 76 trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc.
Đây là một ngành học tuy mới nhưng đã có nhiều thành công đáng kể, được các cơ sở đào tạo cũng như học sinh, sinh viên đón nhận tích cực. Việt Nam học hứa hẹn là ngành học quan trọng trong tiến trình xây dựng và hội nhập sâu rộng trên thế giới.
Việt Nam học là ngành đào tạo có tính chất liên ngành, trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về khoa học và xã hội nhân văn, kiến thức toàn diện và hệ thống về Việt Nam học.
Trước hết, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức nền tảng về khoa học xã hội và nhân văn;kiến thức toàn diện và chuyên sâu về Việt Nam qua các học phần như: Phong tục tập quán Việt Nam, Các tộc người ở Việt Nam, Tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam, Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Kiến trúc Việt Nam, Các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam, Lễ hội truyền thống Việt Nam…
Tiếp đó, sinh viên sẽ được học về các kiến thức thuộc chuyên ngành về Du lịch và quản lý hướng dẫn du lịch, Hướng dẫn du lịch, Văn hóa du lịch,…
Ngoài ra, các bạn còn được trau dồi và thực hành những kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, kỹ năng làm việc nhóm,..từ đó tích lũy và mở rộng thêm kỹ năng về sử dụng tiếng Việt, kỹ năng dạy tiếng, Kỹ năng nghiệp vụ du lịch, nghiệp vụ văn phòng, báo chí,…theo định hướng nghề nghiệp bạn sẽ chọn trong tương lai.
Theo sự tiến bộ của xã hội và nhu cầu ngành nghề, cơ hội việc làm của ngành Việt Nam học đang ngày càng mở rộng và phong phú hơn bao giờ hết. Sau thời gian đào tạo tại các trường đại học và cao đẳng, sinh viên đã có đủ kiến thức và kĩ năng để lựa chọn một trong số những công việc phù hợp với bản thân như:
Hướng dẫn viên du lịch, điều hành tuor, nhân viên kinh doanh trong các công ty và tổ chức du lịch.
Chuyên viên, nhà quản lí tại các cơ quan văn hóa, thông tin; các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức chính trị – xã hội,…
Biên tập viên tại các cơ quan báo chí, nhà xuất bản.
Giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài; giảng viên, giáo viên tại các cơ sở đào tạo ngành Việt Nam học.
Theo Trung tâm dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho hay, trong giai đoạn từ đây đến năm 2025, nhóm ngành xã hội tuyển sinh khoảng 8000 chỉ tiêu. Trong đó, ngành Việt Nam học là ngành cần nhiều nhân lực nhất với mức lương khá cạnh tranh. Đây là lý do khiến ngành học này nhận được nhiều sự quan tâm và có sức hút đáng kể với các sĩ tử.
Tuy nhiên, đây là ngành học mang tính liên ngành, sinh viên được trang bị kiến thức tổng quát, có bề rộng nhưng thiếu đi chiều sâu. Trong khi xã hội đang ngày càng chuyên môn hóa, đòi hỏi người lao động phải thực sự đi sâu vào ngành nghề. Do đó, sinh viên khi theo học ngành này cần phải luôn nỗ lực rèn luyện, đào sâu về chuyên môn và bổ sung thêm nhiều kĩ năng nghề nghiệp.
Hiện nay, ngành Việt Nam học được rất nhiều trường đại học, cao đẳng đưa vào làm chương trình đào tạo chính, các sĩ tử có thể tham khảo tổ hợp xét tuyển tại các trường:
Đại Học Sư Phạm Hà Nội: Xét tuyển khối D01
Đại Học Thăng Long: Xét tuyển khối A00, D01, C00, D04
Đại Học Sư Phạm Hà Nội 2: Xét tuyển khối D01, C00, D15, C14
Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn – Đại Học Quốc Gia Hà Nội: Xét tuyển khối D01
Đại Học Hải Phòng : Xét tuyển khối D01, C00, D15, D06
Đại Học Dân Lập Phương Đông : Xét tuyển khốiA00, A01, D01, C00
Đại Học Vinh :Xét tuyển khối A00, A01, D01, C00
Đại Học Quy Nhơn : Xét tuyển khối D01, C00, D15, C19
Đại Học Sư Phạm – Đại Học Đà Nẵng: Xét tuyển khối C00, D14, D15
Mức điểm trúng tuyển cho những năm gần đây của ngành Việt Nam học dao động trong khoảng 15-25 điểm.
Xem thêm điểm chuẩn ngành Việt Nam học TẠI ĐÂY