Image Image Image Image Image Image Image Image Image Image
Scroll to top

Top

Review ngành Y: Thanh xuân ngắn ngủi dành cả cho ước mơ chữa bệnh, cứu người

Ngành Y dù cao cả nhưng không phải ai cũng có thể theo đuổi. Liệu bạn có sẵn sàng đánh đổi cả thanh xuân để theo đuổi một ngành có yêu cầu khắt khe nhất trong tất cả các ngành học?

Bạn có thực sự hiểu về ngành Y?

Ngành Y có lịch sử lâu đời giống như quá trình hình thành và phát triển của loài người vậy! 

Dù là thời cổ đại hay hiện đại, con người luôn phải đối mặt với các nguy cơ về sức khỏe hay dịch bệnh. Chỉ có những người làm trong ngành Y mới có thể xua tan nỗi ám ảnh về bệnh tật, giúp mọi người yên tâm lao động, làm việc, cuộc sống trở nên an toàn hơn.

Học ngành Y nghĩa là bạn được đào tạo để trở thành người làm công việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho con người

Học ngành Y nghĩa là bạn được đào tạo để trở thành người làm công việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho con người. Do đó, thí sinh thi vào trường Y là những bạn trẻ xuất sắc nhất, điểm chuẩn ngành Y luôn đứng đầu trong số các ngành đòi hỏi điểm thi cao nhất!

Phải chăng bạn đang tự hỏi: Ngành Y có gì hấp dẫn mà thu hút các sĩ tử lớp 12 đến thế? Những phần tiếp theo sẽ cho bạn câu trả lời thích đáng nhất!

Hành trình chinh phục ngành Y

Nếu bạn cho rằng quá trình ôn thi lớp 12 là gian khổ, sự thật là điều này chưa thấm vào đâu so với khi trở thành sinh viên trường Y. Học ngành Y đồng nghĩa với việc phải nỗ lực hơn tất cả những gì bạn đã cố gắng trong đời.

Ngành Y vốn dĩ đã khó khăn từ điểm đầu vào luôn cao chót vót đến 6 năm học với lịch học và thực tập kín mít. Một năm của sinh viên trường Y chỉ có đúng hai mùa: mùa ôn và mùa thi. Bạn sẽ đi theo hành trình này cho đến khi nào ra trường mời thôi.

Tại trường Y, chúng mình học gì?

Đón chào sinh viên năm 1 chính là khối kiến thức khổng lồ từ các môn đại cương.

Ngay từ năm học đầu tiên, sinh viên ngành Y đã phải học cả ngày trên lớp. Nếu một tuần có 7 ngày thì bạn sẽ học 5 ngày, đến thứ Bảy, Chủ Nhật lại đi thi.

Nếu năm học đầu tiên đã làm bạn nản chí, bạn sẽ khó lòng theo đuổi Y Khoa

Trước khi năm 2 khép lại, bạn phải hiểu thật sâu Giải Phẫu, Sinh Lý, bởi đây là nền móng cho mọi bộ môn lâm sàng sau này. Bạn cũng cần một vốn ngoại ngữ vững vàng để cập nhật tri thức từ các tài liệu, báo chí chuyên ngành.

Với năm 2 và năm 3 tại trường Y, bạn sẽ học chuyên ngành, làm thí nghiệm và quan trọng nhất là đi thực tập tại các cơ sơ y tế hay bệnh viện.

Năm 3 là một năm học khá đặc biệt bởi tầm quan trọng của nó.  

Kết thúc năm học thứ 5, người học Y phải chỉ định được xét nghiệm, đọc được xét nghiệm và biết về điều trị.  Và khi chuyển sang học về Nhi, bạn sẽ bước sang một “vũ trụ” hoàn toàn khác, mọi khái niệm trong đầu phải “đập đi xây lại”! 

Việc đi sâu vào các chuyên khoa lẻ sẽ giúp một bạn trẻ học Y có cái nhìn tổng quát, dễ dàng định hướng chuyên khoa làm việc trong tương lai, bởi bạn biết và được rèn luyện khá nhiều kỹ năng: đọc điện tim, X-quang tim phổi, hay khâu tiểu phẫu,…

Năm học thứ 6 là thời gian để bạn củng cố lại kiến thức, làm khóa luận, và sẵn sàng học hành “điên đảo” nếu xác định học bác sĩ nội trú.

Có thể nói, thanh xuân của những nam thanh nữ tú học Y là dành cho những bài học thực hành hay đến bệnh viện trực đêm. Nếu bạn muốn trở thành một bác sĩ, có một vị trí chính thức tại nơi làm việc thì 6 năm đại học vẫn là chưa đủ. Để có đủ trình độ tay nghề cứu chữa cho một người bệnh bạn phải mất hơn 10 năm là còn ít. 

Học ngành Y ở đâu?

1. Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Xem thêm điểm chuẩn YDS năm 2020.

2. Đại học Y Hà Nội

Xem thêm điểm chuẩn ĐH Y Hà Nội năm 2020.

3. Trường Đại học Y Dược – Đại học Huế

Xem thêm điểm chuẩn ĐH Y Dược Huế năm 2020.

4. Học viện Quân Y

Xem thêm điểm chuẩn HV Quân Y năm 2020.

5. Trường Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội

Xem thêm điểm chuẩn trường ĐH Y Dược – ĐHQG HN năm 2020.

6. Đại học Y Dược Cần Thơ

Xem thêm điểm chuẩn ĐH Y Dược Cần Thơ năm 2020

7. Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng

Xem thêm điểm chuẩn ĐH KT Y Dược Đà Nẵng năm 2020.

8. Đại học Y Dược Hải Phòng

Xem thêm điểm chuẩn ĐH Y Dược Hải Phòng.

9. Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Xem thêm điểm chuẩn trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2020.

10. Đại học Y Dược Thái Bình

Xem thêm điểm chuẩn ĐH Y Dược Thái Bình năm 2020.

Bên cạnh những tên tuổi trên đây, tại Việt Nam còn rất nhiều trường đại học đào tạo ngành Y hoặc có khoa Y. Hãy xem ngay danh sách các trường đào tạo ngành Y cùng điểm trúng tuyển năm 2020 TẠI ĐÂY.

Học phí ngành Y – có thể bạn chưa biết

Cho đến thời điểm hiện tại, phần lớn các trường công lập đào tạo ngành Y có học phí từ 14 triệu đồng đến 88 triệu đồng/năm. Mức thu cao nhất (88 triệu đồng/năm) thuộc về ngành Răng-hàm-mặt của ĐH Y Dược TPHCM. 

Từ năm 2020, ĐH Y Dược TPHCM sẽ tự chủ tài chính, dẫn đến việc học phí các ngành có sự biến động mạnh mẽ. Nếu bạn học ngành Y khoa, học phí sẽ là 68 triệu đồng cho năm học đầu tiên, những năm tiếp theo học phí sẽ tăng thêm 10%.

Trái với YDS, học phí tại Đại học Y Hà Nôi năm 2020 không tăng mạnh mẽ, chỉ chạm đến mốc 14,3 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, tăng học phí sẽ là xu hướng phổ biến tại các trường Y, nên hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng bạn nhé!

Tương tự như Y HN, học phí các ngành thuộc Khoa Y Dược – ĐH Đà Nẵng là 14,3 triệu đồng/năm. Đây cũng là mức học phí tại rất nhiều trường đại học danh tiếng khác như Y Dược Hải Phòng, Y Dược Thái Bình, Y Dược Huế,…

Còn nếu như lựa chọn của bạn là ngành Y khoa chất lượng cao tại Khoa Y – ĐHQG TPHCM, một năm học của bạn sẽ tiêu tốn khoảng 65 triệu đồng.

Cơ hội việc làm

Có phải bạn đã rất quen thuộc với hình ảnh các bác sĩ, Y tá, hộ lý trong bệnh viện? Sự thật là thế giới Y học lại rộng lớn hơn rất nhiều. Trong một ngành nghề rộng lớn như vậy, bạn có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực, tùy thuộc vào khả năng, trình độ và sở thích của chính bản thân bạn.

Khám chữa bệnh

Đây là lĩnh vực quan trọng và thu hút nhân lực đông đảo nhất của ngành Y. Trong Y học, bác sĩ là người giữ vai trò khám và chữa bệnh chủ lực, giúp bệnh nhân ngăn ngừa bệnh từ sớm, chẩn đoán bệnh và đưa ra các phương pháp điều trị.

Trong Y học, bác sĩ là người giữ vai trò khám và chữa bệnh chủ lực

Có thể bạn chưa biết: Cơ thể người có bao nhiêu bộ phận cần từng ấy bác sĩ để chăm sóc và bảo vệ chúng.

Trong vai trò khám chữa bệnh, bạn có thể trở thành:

1. Bác sĩ đa khoa

Bác sĩ đa khoa sử dụng kiến thức tổng hợp, đóng vai trò bác sĩ khám chung cho cơ thể bệnh nhân..Tùy vào tình trạng sức khỏe và bệnh tình của người bệnh, bác sĩ đa khoa sẽ đưa ra những lời khuyên thích đáng, kê đơn thuốc, yêu cầu làm các xét nghiệm cụ thể.

Công việc của một bác sĩ đa khoa gồm:

– Khám và chữa bệnh.

– Điều trị và hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân tại nhà, tại cộng đồng.

– Phòng bệnh và giáo dục sức khỏe.

– Tổ chức và quản lý các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.

– Thực hiện nghiên cứu khoa học.

2. Bác sĩ chuyên khoa

Đây là các bác sĩ chuyên sâu về một bộ phận nào đó trong cơ thể con người, với các chuyên khoa như: Răng-hàm-mặt, Tai-mũi-họng, Da liễu, Mắt, tim mạch, tiêu hóa, nội tiết,…Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa cũng có thể chuyên về một lứa tuổi như nhi khoa, lão khoa…

3. Bác sĩ ngoại khoa

Công việc chủ yếu của bác sĩ ngoại khoa là tham gia vào việc phẫu thuật. Có thể gọi họ là những đôi bàn tay vàng trong làng Y học, bởi sự khéo léo, sức khỏe tốt và đặc biệt là “tinh thần thép với khả năng tập trung tinh thần tuyệt vời. 

4. Bác sĩ sản phụ khoa 

Trở thành một bác sĩ sản phụ khoa, bạn sẽ tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho thai nhi và sản phụ. Với chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao, ngày càng nhiều sản phụ thường xuyên tới gặp bác sĩ sản phụ khoa. Bởi vậy, lĩnh vực này đang rất phát triển tại Việt Nam và là sự lựa chọn của nhiều sinh viên ngành Y.

Y học dự phòng

Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Bất kỳ bác sĩ nào cũng phải làm công tác y học dự phòng. Tuy nhiên, theo sự phân công trong ngành, một số bác sĩ và y tá sẽ chuyên về mảng này.

Cán bộ Y tế dự phòng sẽ giúp ngăn ngừa bệnh bệnh tật cho cộng đồng và xã hội; tham gia công tác tiêm chủng mở rộng trong cả nước, hướng dẫn thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh dinh dưỡng…

Nghiên cứu

Những căn bệnh nan y, sự xuất hiện của các bệnh dịch mới (tiêu biểu như Ebola, SARS-CoV-2,…), nhu cầu chăm sóc sức khỏe chất lượng cao đòi hỏi những người làm ngành Y phải liên tục nghiên cứu để tìm ra những phương thuốc mới, cách phòng bệnh hay điều trị mới…

Nghiên cứu trong Y học cũng là tạo nên những điều kỳ diệu! Thử nghĩ xem: Nếu bạn là người tìm ra phương thuốc mới, cách phòng và điều trị mới, điều đó nghĩa là bạn đã đem đến hi vọng và những điều tốt đẹp cho hàng triệu, thậm chí là hàng tỉ con người trên hành tinh này.

Giảng dạy

Đào tạo nhân lực là nhiệm vụ quan trọng với bất kỳ ngành nghề nào, nhất là với một ngành cao quý như ngành Y. Bạn có thể làm việc trong các cơ sở đào tạo ngành Y như các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung cấp Y trên cả nước.

Bạn làm việc ở đâu sau khi tốt nghiệp trường Y?

Cơ hội việc làm cho sinh viên trường Y không chỉ bó hẹp trong các bệnh viện Trung Ương, địa phương hay các trạm y tế. Bạn có trong tay nhiều lựa chọn hơn thế

1. Trong lĩnh vực khám chữa bệnh

Với một bạn trẻ theo học ngành Y thì lĩnh vực khám chữa bệnh luôn đem tới nhiều cơ hội việc làm nhất. Tùy theo trình độ đào tạo, bạn sẽ làm việc tại:

– Bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa.

– Bệnh viện điều dưỡng – phục hồi chức năng

– Phòng khám đa khoa

– Viện giám định y khoa.

– Trạm y tế cơ sở

– Trung tâm y tế quận huyện, thị xã.

2. Trong lĩnh vực y học dự phòng

– Viện dinh dưỡng

– Viện Vệ sinh dịch tễ

– Viện Sốt rét ký sinh trùng

– Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường

– Cục quản lý chất lượng vệ sinh An toàn thực phẩm – Bộ Y tế

– Cục Y tế dự phòng

3. Trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo

– Các viện nghiên cứu của ngành Y

– Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa

– Các cơ sở đào tạo ngành Y: đại học, cao đẳng, trung cấp Y.

Nghiên cứu và đào tạo là hai lĩnh vực tập trung một bộ phận nhân lực ưu tú trong ngành Y. Nó đòi hỏi bạn phải có trình độ nhất định (cử nhân trở lên) và liên tục học tập, rèn luyện, nghiên cứu để nâng cao trình độ.

4. Trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về Y tế

– Nếu bạn làm việc ở tuyến Trung ương, nơi làm việc sẽ là các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế.

– Ở tuyến địa phương, nơi làm việc dành cho bạn là các sở Y tế tại các tỉnh, thành phố.

Tố chất để theo học ngành Y

Giàu tình yêu thương

Là bác sĩ, bạn sẽ phải tiếp xúc với những “đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần của người bệnh. Một bác sĩ làm việc có tâm sẽ luôn cố gắng hết khả năng của mình để hết lòng cứu chữa cho bệnh nhân

Đam mê và học giỏi các môn tự nhiên

Chúng ta thường nghe: “đầu xuôi đuôi lọt”. Muốn trở thành sinh viên ngành Y, trước hết bạn phải có niềm yêu thích và học thật tốt các môn Toán, Hóa, Sinh, và có thể cả Vật Lí. 

Sự kiên trì

Số năm học tối thiểu để tốt nghiệp ngành Y, hay thời gian 10 năm để trở thành bác sĩ có tay nghề vững chắc chính là minh chứng sống động nhất về tính kiên trì của người học ngành Y. 

Cẩn thận, tỉ mỉ, khéo léo

Trong quá trình khám, chữa bệnh, mỗi quyết định của người thầy thuốc đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh.

Ví dụ điển hình cho sự khéo léo là các bác sĩ chuyên về phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật người bác sĩ phải hết sức chú ý, tỉ mỉ, thao tác nhanh chóng để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh. Sự khéo léo tỉ mỉ hạn chế tối đa rủi ro với các ca mổ.

Lòng can đảm

Công việc này đòi hỏi bạn cực kì can đảm vì hàng ngày có rất nhiều bệnh nhân gặp các chấn thương hoặc tai nạn ở nhiều mức độ khác nhau. Nếu không có tinh thần vững vàng, bạn dễ dàng hoảng loạn khi chứng kiến hình ảnh thương tật, máu me.

Đặc biệt, nếu muốn theo đuổi ngành Y hoặc cụ thể hơn là bác sĩ phẫu thuật thì bạn KHÔNG ĐƯỢC sợ máu!

3 lí do để bạn chọn ngành Y

Một ngành nghề cao cả

Ngành Y có những đặc trưng nghiêng hẳn về lòng nhân đạo và sự tử tế.

Khi học ngành Y, bạn có thể tự tay mình hoặc cùng các đồng nghiệp cứu sống sinh mạng con người. Bạn có thể làm giảm nỗi đau đớn về tinh thần và thể xác cho những con người yếu ớt trên giường bệnh.

Có tư duy khoa học, nhạy bén

Quá trình học Y sẽ khiến bạn bắt gặp hàng vạn câu hỏi vì sao và như thế nào mỗi ngày: Vì sao bệnh nhân có triệu chứng này, cần làm xét nghiệm gì cho bệnh nhân, lựa chọn phác đồ điều trị nào? 

Không có quyết định nào trong nghề Y được phép cảm tính vì bạn đang nắm trong tay sức khỏe và sinh mệnh của bệnh nhân. Mỗi lựa chọn đều phải dựa trên bằng chứng và khoa học. Mỗi quyết định đều phải cân nhắc thật kỹ càng. 

Cơ hội để hoàn thiện bản thân

Một trong những lợi ích của việc học Y, đó là bạn cải thiện bản thân mỗi ngày. Bạn là người sợ máu – học ngành Y sẽ khiến bạn dũng cảm hơn sau những lần tiếp xúc với máu. Bạn sợ tiêm? Ngành Y sẽ giúp bạn bước qua nỗi sợ này.

Trên thực tế, khá nhiều bạn vốn ít nói đã trở thành người có khả năng giao tiếp, truyền đạt tốt hơn. Chưa kể, khi học Y và trở thành bác sĩ, bạn có thể tự chữa cho người thân những bệnh nhẹ và ứng dụng được rất nhiều điều vào cuộc sống nữa đó!

Dù bạn là nam hay nữ, khi đã chọn ngành Y nghĩa là bạn chấp nhận đánh đổi tiền bạc, sức khoẻ, và tuổi thanh xuân của mình. 6 năm hay 10 năm để theo đuổi ngành Y chỉ thực sự đáng với những ai yêu thích ngành này, còn không, nó sẽ thực sự là những ngày tháng chôn vùi thanh xuân!